Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là hình ảnh những ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau như ở làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây (TP. Hà Nội) hay làng cổ Phước Tích ở Huế, mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum sê, tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng, cuốn hút du khách.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự đón nhận Bằng Di tích cấp Quốc gia. |
Theo các tư liệu lịch sử, vào thế kỷ thứ XVIII, năm 1732 thời Chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp ngày nay để làm lỵ sở của dinh Long Hồ.
Đến năm 1757, lỵ sở mới dời về thôn Long Hồ là TP. Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Trong suốt 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ, làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan lại và đại địa chủ sinh sống, làm cho vùng đất này trở nên trù phú.
Nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý, mái lợp ngói, xây cao và rộng theo kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây, nằm ẩn mình bên những dòng sông, vườn cây ăn trái thoáng mát, đã góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các làng khác từ cuối thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Các ngôi nhà ở đây dù trải qua nhiều thời gian và những biến cố của chiến tranh nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống của người Việt.
Vào năm 1808, vùng đất này gồm có 3 thôn: An Bình Đông, An Bình Tân và An Thành thuộc tổng Kiến Phong, đời Thiệu Trị thuộc tổng Phong Hòa. Ngày 12-7-1877, An Bình Tây đổi thành Phú Hòa, làng An Thành đổi thành An Hiệp. Đến ngày 13-12-1913, nhập Phú Hòa vào làng An Bình Đông và An Hiệp lấy tên là Đông Hòa Hiệp, thuộc tổng Phong Hòa.
Một góc Làng cổ Đông Hòa Hiệp. |
Ngày nay, người dân trong làng sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái đặc sản xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, mít… và các nghề thủ công truyền thống như làm cốm, tráng bánh tráng, bánh phồng… Trong làng có 10 ngôi nhà cổ, 3 ngôi chùa và 1 ngôi đình làng. Nhiều ngôi nhà cổ được bảo tồn, tôn tạo và đã tồn tại hơn 100 năm. Đặc biệt là ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt có niên đại trên 150 năm, đã được tổ chức JICA tài trợ trùng tu, hiện thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là hình ảnh những ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau như ở làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây (TP. Hà Nội) hay làng cổ Phước Tích ở Huế, mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum sê, tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng, cuốn hút du khách.
Bên trong các ngôi nhà cổ trên các bộ kèo, xiên và trên các vách cửa được chạm khắc, trang trí các hoa văn rất tinh xảo. Độc đáo nhất là bộ bao lam được chạm lọng các loài cây tùng, cúc, trúc, mai được cách điệu hài hòa; các bức hoành phi, liển, đối được chạm trổ, khảm xà cừ rất công phu, tinh xảo với các họa tiết mềm mại, uyển chuyển đã thể hiện trình độ mỹ thuật rất cao của người xưa. Ngoài ra, còn có nhiều vật dụng bằng gỗ, gốm sứ, đồng như: Tủ thờ, bàn ghế, bình, đĩa, tách, lư hương, tượng… rất thẩm mỹ và có giá trị quý hiếm được bảo tồn.
Bên trong nhà cổ của ông Kiệt, các hoa văn chạm khắc trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu theo kiểu nhà xưa của Nam bộ, luôn gây sự chú ý đối với du khách, nhất là khách nước ngoài. |
Được biết, từ năm 2011, được sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trường Đại học Nữ Chiêu hòa (Nhật Bản), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè triển khai Dự án “Phát huy vai trò hỗ trợ cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững thông qua du lịch di sản” tại xã Đông Hòa Hiệp.
Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn di sản văn hóa, các cuộc thi hàng rào hoa kiểng, tôn tạo cảnh quan môi trường trong khu vực làng cổ, phát hành sách ảnh và bản đồ để giới thiệu, quảng bá làng cổ đến khách du lịch.
Đồng thời hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhỏ phục vụ du lịch, như mở rộng tuyến đường du lịch, xây dựng cầu đi bộ, nhà nghỉ mát, hệ thống đèn chiếu sáng, bến tàu du lịch… tạo điểm nhấn đặc trưng, hấp dẫn để thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ đêm ở các ngôi nhà cổ trong làng.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã diễn ra 3 lần Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp: Lần thứ I vào năm vào 2013, lần thứ II vào năm 2015 và lần thứ III vào năm 2017.
Đây là lễ hội được tổ chức 2 năm/lần. Đặc biệt, tại Lễ hội lần thứ III - năm 2017, Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự đón nhận Bằng Di tích cấp Quốc gia và Bằng công nhận Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Đây sẽ là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân xã Đông Hòa Hiệp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của di sản.
Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV năm 2019 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 10 đến ngày 12-11-2019), tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, với quy mô 700 đại biểu, trong đó có 100 đại biểu Nhật Bản. Trong Lễ hội có 14 hoạt động: Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng; triển lãm sinh vật cảnh, hòn non bộ; tổ chức đoàn Famtrip; hội thi làm bánh dân gian; triển lãm, giới thiệu về du lịch 6 tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh; các trò chơi dân gian; diễu hành thuyền hoa; chiếu phim màn ảnh rộng; tọa đàm bảo tồn và phát huy Làng cổ Đông Hòa Hiệp; hội thi chưng mâm ngũ quả; hội thi đua xuồng; chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, đờn ca tài tử; giao lưu với các đoàn của Nhật Bản; tái hiện nghi thức cúng đình xưa. |
HÀ ANH - PHƯƠNG NGHI (Báo Ấp Bắc)