Đình Ông Lữ - Dấu ấn kiến trúc và lịch sử cách mạng trong ngôi đình cổ hơn 200 năm tuổi
Đình Ông Lữ tọa lạc tại ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè. Từ Ngã ba Trung Lương về cầu Mỹ Thuận, qua cầu Trà Lọt (xã Hòa Khánh) cách 500m đến ngã ba Cái Thia rẽ trái đi về hướng chợ Cái Thia. Từ chợ Cái Thia đến đình khoảng 01km đường dal, phương tiện mô tô đi lại dễ dàng.
Như bao ngôi đình khác ở Nam bộ, để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng, sau khi lập làng, các vị chức sắc có uy tín trong làng đã vận động nhân dân trong vùng xây cất đình làng để thờ cúng các vị thần mà họ tín ngưỡng, là nơi nhân dân thờ các vị "Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ" của làng, những người có công với nước và là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Năm 1819, Đình Ông Lữ được xây cất khá đơn sơ tại ngã ba xã Mỹ Đức Đông giáp xã Mỹ Đức Tây ở phần đất ông Phan Văn Sĩ thuộc ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Đức Đông giáp với ấp Mỹ Tường, xã Mỹ Đức Tây (hiện trên cây xiên còn khắc chữ Hán "Kỷ Mão Niên" (1819). Đến năm 1879, đình được dời về phần đất của ông Trương Văn Cơ bên cạnh rạch Ông Lữ thuộc ấp Mỹ Phú nên được gọi là Đình Ông Lữ. Mặc dù trải qua hai cuộc chiến tranh, đình bị tàn phá, xuống cấp, được nhân dân trong làng xã trùng tu lại nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc của ngôi đình cổ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX ở tỉnh Tiền Giang.
Đình được xây dựng theo kiểu chữ Tam (三), gồm vỏ ca, vỏ quy và chánh điện, có diện tích 390m2. Cửa đình quay ra bờ sông Cái Thia, gần với chợ, bến nước, cây cổ thụ đã tạo nên một không gian của ngôi làng xưa. Với chất liệu truyền thống như gạch đá, ngói, gỗ và cột, kèo, xiên, trính được liên kết bằng hệ thống mộng chốt tạo thế vững chắc cho ngôi đình. Các bao lam, hoành phi, câu đối, bàn thờ, khám thờ trong đình được chạm trổ rất công phu, tỉ mỉ mang tính nghệ thuật cao, trong đó các đề tài đều mang triết lý phương Đông, có tính tâm linh, thể hiện ước vọng cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp và còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục văn hóa, đời sống tinh thần mà thế hệ trước để lại. Bên cạnh đó, Đình Ông Lữ còn là cơ sở cách mạng vững chắc của xã, huyện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Vào những năm 1952 - 1953, trên máng xối vỏ quy và chánh điện là nơi giấu súng đạn của du kích xã. Trong kháng chiến chống Mỹ, để kìm kẹp và đánh phá lực lượng cách mạng của ta, địch cho xây dựng tại đây một đồn gần chợ Cái Thia vào năm 1956, làm cho quân ta gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 1963, ông Lê Văn Ngâu và ông Phạm Thành Lâm làm hầm bí mật dưới bàn thờ thần để cất giấu vũ khí và cán bộ cách mạng ẩn nấp qua những lần càn quét, khủng bố của địch. Năm 1968, cán bộ cách mạng xã, huyện trú ẩn tại đình thường xuyên tổ chức đánh địch lập ấp chiến lược ở vàm Móc Mang, đồn bót ở lộ Bà Khoa, đồn Cầu Cháy - Cái Thia gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề.
Hàng năm, Đình Ông Lữ có 02 lễ cúng Thượng điền và Hạ điền vào các ngày 15, 16 tháng 3 và 15, 16 tháng 11 âm lịch và một lễ cúng miễu Bà Chúa Xứ vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Mỗi lần cúng nhân dân đến dự đông đúc để cầu mong an cư lạc nghiệp, quê hương an lành và ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước của các thế hệ đi trước cho con cháu noi theo.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và để có đầy đủ cơ sở pháp lý gìn giữ di tích, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa cũng như nguyện vọng của nhân dân xã Mỹ Đức Đông, ngày 15/02/2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 09/2000/QĐ-UB công nhận Đình Ông Lữ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Mạnh Thắng - Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang
Đình Ông Lữ - Dấu ấn kiến trúc và lịch sử cách mạng trong ngôi đình cổ hơn 200 năm tuổi