Cái Bè được biết đến không chỉ là vùng đất phù sa với những vườn trái cây sum suê, trĩu quả mà Cái Bè còn là địa chỉ mà nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi nơi đây có những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt hơn, Cái Bè còn là vùng đất gắn liền với những di tích lịch sử nổi tiếng, ghi dấu những chiến công lẫy lừng của người dân Nam bộ.
1. Chiến Thắng Cổ Cò
Địa chỉ: nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Chiến thắng Cổ Cò có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với quân dân Khu 8 nói riêng và đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội Khu 8 và tỉnh Mỹ Tho về trình độ tổ chức chỉ huy, hợp đồng tác chiến đồng bộ giữa bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương còn non trẻ; quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở địa phương ngày càng phát triển và lan rộng. Bên cạnh đó chiến thắng này củng cố niềm tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế nổi dậy đấu tranh của nhân dân trên toàn Nam Bộ vào đầu mùa xuân năm 1947, là đòn đánh mạnh vào tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền tay sai khiến chúng hoang mang, lo sợ trước sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng vũ trang cách mạng. Thắng lợi của trận Cổ Cò đã gây chấn động trên toàn chiến trường Nam Bộ.
Ông Trần Văn Thắng (86 tuổi, người dân xã An Thái Đông) tự hào kể: “Người dân địa phương luôn tự hào về chiến thắng Cổ Cò bởi lẽ vũ khí mình thô sơ, lực lượng mỏng nhưng chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm, kiên cường làm nên chiến công oanh liệt, vậy mới ngon chớ…”.
Để ghi khắc chiến công lịch sử này, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xây dựng Khu Tượng đài “Chiến thắng Cổ Cò” tại ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè và được khánh thành năm 2015. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, chính trị và xã hội, là nơi ghi lại chiến công oanh liệt của các lực lượng vũ trang và nhân dân xã An Thái Đông. Bên cạnh đó, thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Đây cũng là địa chỉ văn hóa để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thời gian đã qua đi trên 70 năm nhưng khí thế hào hùng vẫn còn đọng mãi trên vùng đất anh hùng này như một mốc son lịch sử làm điểm tựa để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cái Bè nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung phấn đấu xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.
https://mytiengiang.vn/iv/chienthangcoco
2. Chiến Thắng Ngã Sáu – Bằng Lăng
Địa chỉ: ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang
Ngã Sáu - Bằng Lăng (ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè) là nơi diễn ra trận chiến oanh liệt và thắng lợi vẻ vang (ngày 14-3-1975), khởi đầu Chiến dịch mùa khô đợt II - năm 1975…
Phát huy thành tích đó, sau ngày 30-4-1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung đã nỗ lực phấn đấu xây dựng xã nhà ngày càng phát triển.
Chiến thắng Ngã Sáu còn có tác dụng thúc đẩy khí thế cách mạng dâng lên của các tỉnh giáp ranh, mà Ngã Sáu là trung tâm đầu mối giao thông thủy được mở thông, thuận lợi cho việc vận chuyển người và vũ khí từ dưới lên và ngược lại, đặc biệt là khí thế cách mạng dâng cao ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè nói riêng và toàn tỉnh Mỹ Tho nói chung. Từ đó, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho cùng với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn BB 8 phấn khởi vượt lên chính mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
40 năm trôi qua - một chặng đường dài với nhiều khó khăn, gian khổ trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của xã Mỹ Trung. Nét son của truyền thống cách mạng xã nhà được thể hiện qua những số liệu “đỏ”:195 người con của xã Mỹ Trung đã gửi xương máu vào lòng đất mẹ, 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 345 gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với nước… là động lực thúc đẩy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến thắng trên chiến trường phụ thuộc vào tinh thần quả cảm và mưu trí của chiến binh. Xương máu, lòng dũng cảm của họ và những chiến công xuất sắc của các đơn vị cùng với công sức đóng góp của nhân dân huyện Cái Bè, xã Mỹ Trung đều có giá trị vô giá cho thắng lợi chung. Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng là chiến công chung của mọi người, không phải của riêng ai.
Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng là tiền đề để nhân dân Mỹ Tho vững bước tiến vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Mỹ Tho theo phương châm: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Bên cạnh những di tích chiến thắng trên, Cái Bè cũng có rất nhiều di tích mang giá trị văn hóa cao như:
3. Đình Mỹ Lương
Địa chỉ: Tọa lạc tại ấp Lương Nhơn, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang
Đình Mỹ Lương thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật có quy mô xây dựng lớn, với diện tích khoảng 790 m2 gồm Võ ca, Võ quy và Chánh điện (Chánh tẩm). Với những mảng trang trí bên trong trên những hoành phi, câu đối, bao lam, các đôi long trụ và các đề tài trang trí bên ngoài trên các bờ nóc được chạm trổ khá công phu, tỉ mỉ với những hoa văn, họa tiết được rút ra từ các điển tích trong Nho, Phật, Lão như: Tứ linh, Tứ quý, Phật thủ, Đào, Lựu, Lê, Bát tiên, Bầu rượu túi thơ và các loại hoa trái địa phương… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đình Mỹ Lương có giá trị lịch sử văn hóa rất quan trọng đối với nhân dân Cái Bè nói riêng và nhân dân Tiền Giang nói chung. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật quý hiếm của thế kỷ XIX. Đồng thời đây còn là cơ sở cách mạng vững chắc của địa phương trong suốt thời kỳ chống giặc ngoại xâm (hiện trong đình còn 01 bàn thờ thần là hầm bí mật của các cán bộ cách mạng).
http://tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/?/-inh-my-luong/11155301
4. Đình An Hữu
Nằm bên bờ sông Cái Cối, ngôi đình 177 năm tuổi tọa lạc tại ấp 4, xã An Hữu được thành lập vào đời vua Thiệu Trị (nhà Nguyễn) nhằm thờ cúng các chư thần của nhân dân nơi đây. Đình An Hữu rộng hơn 400 mét vuông, xây dựng theo lối tứ trụ, phía trước thờ 272 vị liệt sĩ của xã, phía sau thờ 4 vị thần.
Đình thần An Hữu chính là nơi thành lập Mặt trận Việt Minh và là nơi họp tổ chức cuộc tiến công nổi dậy của xã An Hữu vào năm 1968 và năm 1975. Đến năm 2010, Uỷ ban Nhân dân xã An Hữu đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử, văn hóa Đình thần An Hữu cấp tỉnh, thành phố.
Chú Lê Thanh Chung (69 tuổi) là người giữ đình, cho biết rằng đình có tổ chức cúng Thượng điền vào ngày 11/11 âm lịch và cúng Hạ điền vào ngày 4/11 âm lịch, lúc này có khá đông bà con đến cúng vái
https://queminhngaymoi.vn/10-dieu-noi-bat/tham-quan-di-tich-dinh-than-an-huu
5. Miếu Hà Dương Thủy Thần
Miếu Hà Dương Thủy Thần được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII, còn gọi là miếu ông Sóng hay miếu Cậu, tọa lạc trên bờ bắc sông Tiền (đoạn giữa vàm Trà Lọt và vàm Cái Thia) thuộc ấp Hòa Lược, xã Hòa Khánh.
Xưa kia đoạn sông này sóng, gió, nước xoáy rất dữ, làm cho nhiều ghe thuyền qua đây bị chìm. Vì vậy, dân chúng xây dựng một ngôi miếu thờ vị thần linh ngự trị giông bão cho ghe thuyền qua lại khấn nguyện vượt qua các cơn sóng bão.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, miếu Hà Dương Thủy Thần là nơi nuôi giấu, ẩn náu của cán bộ, chiến sĩ cách mạng; trong miếu và khu vườn xung quanh có 5 hầm bí mật đủ chứa một tiểu đội ẩn náu. Miếu cũng là nơi lực lượng cách mạng hội họp bàn nhiều kế hoạch để đánh địch, trong đó có kế hoạch đánh tiêu diệt đồn Trà Lọt…
Lễ cúng Bà thực hiện với nhiều nghi thức long trọng thu hút rất đông du khách và người dân địa phương đến chiêm bái, thụ lộc.
Với kế hoạch chu đáo của ban quản lý di tích và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Lễ cúng Bà đã kết thúc an toàn, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng truyền thống của nhân dân.
Miếu Hà Dương Thủy Thần được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012.
NGỌC AN tổng hợp