Image Sample

Khám phá ngôi chợ "nổi" trên sông Cái Bè


07/08/2019

Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm ở đoạn sông Tiền, giáp ranh ba tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long.

Chợ nổi, khác những loại hình chợ trên đất liền là chợ họp trên sông (thường là nơi có tuyến giao thông chính) Nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe/thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển. Địa điểm có chợ nổi thường tại các khúc sông không rộng quá mà cũng không hẹp quá. 

Ngã ba sông Cái Bè - lối vào khu vực Chợ nổi.

Chợ nổi Cái Bè được hình thành từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XVII, trên Vàm Cái Bè do nhiều ghe mua bán trong vùng lân cận, tụ hội về đây trao đổi nông sản và dần trở thành khu chợ nổi. Đây là nơi giao thương hàng hoá không chỉ trong tỉnh mà còn là nơi giao thương của các tỉnh lân cận do vừa thuận tiện vận chuyển đường sông, vừa dễ dàng kết nối với quốc lộ I. Hàng hoá của chợ rất đa dạng và phong phú, nổi bật nhất là trái cây, do vùng này cũng là trung tâm sản xuất cây ăn quả lớn, là cái nôi miệt vườn vùng sông Tiền với các loại trái cây nổi tiếng như: cam, quít, bưởi da xanh, khóm Tân Lập, xoài cát Hoà Lộc, đặc sản vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim), khoai lang (Vĩnh Long)

 

 Chợ nổi Cái Bè trước đây tấp nập ghe thuyền chở nông sản mua - bán.

Trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước, những khu chợ nổi nói chung và chợ nổi Cái Bè nói riêng đã trở thành một loại hình văn hoá du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Các khu chợ nổi thường họp chợ vào buổi sáng sớm, lúc này các ghe xuồng từ nhiều nhánh sông đổ về tạo nên một không khí tấp nập đầy náo nhiệt làm khuấy động cả một khúc sông.

Chợ nổi Cái Bè hoạt động theo con nước lớn, nhưng thời gian diễn ra đông nhất vào khoảng từ 03 - 05 giờ sáng và từ 13 - 16 giờ chiều. Quy mô chợ phụ thuộc vào mùa trái cây, củ, quả. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 - 200 tấn trái cây, củ quả và có vài chục phương tiện trọng tải lớn neo đậu để mua gom và nhiều phương tiện ghe, thuyền lớn nhỏ hội tụ lại đây để giao thương.

Chợ nổi Cái Bè ngày nay dù không còn quá nhiều ghe thuyền tấp nập nhưng lại trở thành nét văn hóa hấp dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Ngày nay, Chợ nổi Cái Bè không còn nhiều ghe thuyền tấp nập buôn bán đông đúc như xưa do điều kiện giao thông thuận lợi, nên thương nhân chuyển qua sử dụng các phương tiện vận tải hàng hóa khác. Tuy nhiên, nơi đây lại trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với nét độc đáo chung của chợ nổi là “sào nào, rau củ - trái ấy”, tức là trên ghe thuyền bán loại trái cây, nông phẩm nào thì treo lên sào cho người mua dễ nhận biết và không phải rao mời, du khách vô cùng thích thú khi được tham qua, tìm hiểu nét văn hóa chợ độc đáo của người dân sông nước miền Tây.

 

Nhà thờ Cái Bè nhìn từ Chợ nổi. Đây là một nhà thờ lớn với lối kiến trúc độc đáo thu hút du khách đến tham quan.

Không chỉ vậy, từ chợ nổi Cái Bè, du khách có thể khám phá đời sống của người dân hai bên bờ sông, tham quan các làng nghề truyền thống như Làng nghề bánh tráng, bánh phồng, bánh cốm và được tận mắt xem những người nghệ nhân nơi đây trổ tài làm nghề. Du khách cũng có thể được trãi nghiệm bằng việc tự mình tham gia vào một trong các công đoạn để cho ra đời những chiếc bánh tráng, bánh cốm thơm ngon, đặc biệt.

                                                                                                                                        BBT

 

 

Tìm kiếm

Bài viết nổi bật

Image Sample
Huyện Cái Bè: Tổ chức hội thi thể thao dân tộc trong Lễ hội Văn hoá – Du lịch Làng cổ Đông Hoà Hiệp năm 2023.
27/11/2023

Ngày 27/11, UBND huyện Cái Bè tổ chức hội thi thể thao dân...

Xem ngay
Image Sample
Khai mạc Lễ hội Văn hoá - Du Lịch Làng Cổ Đông Hoà Hiệp Năm 2023
27/11/2023

...

Xem ngay
Image Sample
Tái hiện nghi thức cúng đình xưa – Đình thần Đông Hòa Hiệp tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2023
27/11/2023

Tiếp nối các hoạt động diễn ra trong khuôn...

Xem ngay